Không phát triển diện tích cây sầu riêng theo phong trào

Không phát triển diện tích cây sầu riêng theo phong trào
          
Đồng Tháp ( TTXVN 14/3)
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn chỉ đạo phát triển cây sầu riêng bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo với các địa phương tuyên truyền cho người dân về thay đổi thói quen, không sản xuất theo phong trào, nhất là phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn trái trong quy hoạch của tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn...
Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023. Về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi, lưu ý với cây sầu riêng.
 
Đồng thời, sở tăng cường quản lý, thanh tra kiểm tra chất lượng cây giống sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Đồng thời tập trung tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác thu hoạch đến chế biến tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất tại địa phương...
UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương nghiêm túc triển khai chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng.
UBND huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng các cơ quan quản lý. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn huyện, thành phố; hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cây trồng, lưu ý việc quy hoạch phát triển diện tích trồng sầu riêng. Tỉnh giao cho UBND huyện, thành phố tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giao cho UBND huyện, thành phố phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra chất lượng giống sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất tại địa phương.
Qua việc chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp nhằm khuyến cáo bà con nông dân thấy trước mắt giá sầu riệng tăng cao hơn 100 nghìn đồng/kg, rồi chuyển đất trồng lúa  hoặc chặt bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng. Tình trạng này đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đây tỉnh chấn chỉnh diện tích trồng sầu riêng, tránh tình trạng cung vượt cầu, giá sầu riêng xuống thấp thường diễn biến trong thời gian qua.
Đầu năm 2023 đến nay, giá sầu riêng tăng cao hơn 100.000 đồng/kg, có lúc giá hơn 200.000 đồng/kg. Với lợi nhuận hấp dẫn từ loại cây này, vài tháng nay, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng. Hiện nay tổng diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Đồng Tháp trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười./.
Nguyễn Văn Trí

Các tin khác