Cục Bảo vệ thực vật thông tin về nho Trung Quốc nhập khẩu
vào Việt Nam
Hà Nội (TTXVN 31/10)
Trước thông tin Mạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan
(Thai-PAN) công bố kết quả kiểm tra nho nhập từ Trung Quốc có dư lượng thuốc trừ
sâu vượt quá giới hạn cho phép, chiều 31/10, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với
nho nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn
thực phẩm năm 2024. Kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu từ Trung Quốc, kết quả cho thấy,
không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật)
của Việt Nam.
Mặc dù vậy, trước thông tin trên, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã kiểm tra và được biết đây là một tổ chức phi Chính phủ, một đơn vị đánh giá độc lập. Họ đưa
ra các phát hiện của mình để kịp thời làm việc với các cơ quan chức năng của
Thái Lan để có những cảnh báo.
Cục Bảo vệ thực vật đang liên hệ và lấy thông tin chính thức
từ Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của Thái Lan, trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo
chính thức từ Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối
với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc. Cục sẽ tiếp tục trao đổi thông tin
ở các kênh cảnh báo về an toàn thực phẩm quốc tế để đánh giá nguy cơ an toàn thực
phẩm đối với nho của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, việc kiểm tra
an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu đang được thực hiện theo
quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ
ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó mặt hàng nho đang được kiểm tra theo hình thức thông
thường là kiểm tra hồ sơ và kiểm tra giám sát của cơ quan chuyên ngành (Cục Bảo
vệ thực vật). Cục cũng có các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm để kịp
thời ngăn chặn các nguy cơ có thể dẫn đến mất an toàn thực phẩm. Đồng thời,
đánh giá mức độ an toàn của các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó là
phát hiện kịp thời những vi phạm để từ đó thay đổi các phương thức kiểm tra.
“Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo an toàn thực phẩm
trong nước và quốc tế, vi phạm an toàn thực phẩm qua các năm, cơ quan quản lý
chuyên ngành quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra
chặt đối với lô hàng, mặt hàng”, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, thông tin trên các phương tiện
thông tin đại chúng về vấn đề này cần được đưa tin chính thức từ các cơ quan quản
lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tránh gây dư luận không chính
xác trong xã hội./.
Bích Hồng