Bình Định yêu cầu cơ sở chế biến mực gây ô nhiễm dừng hoạt động

Bình Định yêu cầu cơ sở chế biến mực gây ô nhiễm dừng hoạt động
 
Bình Định (TTXVN 22/4)
 
Ngày 22/4, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định) Bùi Quốc Nghị cho biết, huyện đã yêu cầu cơ sở chế biến mực gây ô nhiễm mà báo chí phản ánh mấy ngày qua dừng hoạt động. Qua kiểm tra, cơ sở này có nhiều sai phạm nên huyện đã yêu cầu UBND xã Cát Chánh tổ chức làm việc với Hộ kinh doanh này để thống nhất, đề xuất thời gian di dời ra khỏi khu dân cư.
 
Trước đó, ngay sau khi TTXVN có bài phản ánh vụ việc này, UBND huyện đã có công văn số 696/UBND-NNMT nêu rõ Thông tấn xã Việt Nam ngày 21/3/2025 có bài báo với tiêu đề: “Người dân bức xúc vì hằng ngày sống chung với mùi hải sản hôi thối”, phản ánh xưởng chế biến mực của ông Ngô Văn Lưu ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định hoạt động đã gần 2 năm nay gây mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đồng thời yêu cầu UBND xã Cát Chánh khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý vụ việc nếu có.
 
Đến ngày 16/4, đoàn kiểm tra của UBND huyện đến cơ sở trên kiểm tra và đã có báo cáo về những sai phạm bước đầu của cơ sở chế biến này. Cụ thể, cơ sở chế biến mực tẩm của Hộ kinh doanh Trung Lương (Cơ sở 2) do bà Bùi Thị Ái Vy (vợ của ông Ngô Văn Lưu) làm chủ cơ sở, hoạt động xen kẽ với các hộ dân trong khu dân cư tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát (nhà liên kế).
 
Các công đoạn chế biến mực đều phát sinh mùi; tại công đoạn sấy mực, cơ sở có lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý bằng công nghệ than hoạt tính trước khi thoát ra môi trường. Tuy nhiên, quy trình chế biến tại cơ sở còn thủ công, dây chuyền chế biến và nhà xưởng chưa hoàn toàn kín nên không thể thu gom, xử lý triệt để mùi làm ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh đúng như báo chí và người dân địa phương đã phản ánh.
 
Cơ sở chế biến mực tẩm này không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, cơ sở chưa kê khai nộp thuế theo quy định. Cơ sở chưa có hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định. Qua kiểm tra hồ sơ địa chính, thửa đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Trước những sai phạm này, Phòng Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị UBND huyện Phù Cát yêu cầu hộ kinh doanh Trung Lương chấm dứt hoạt động tại cơ sở 2. Đồng thời, giao UBND xã Cát Chánh tổ chức làm việc với hộ kinh doanh Trung Lương để thống nhất, đề xuất thời gian di dời ra khỏi khu dân cư. Phòng Nông nghiệp và Môi trường đề nghị  UBND huyện Phù Cát giao Phòng Tài chính Kế hoạch thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp đối với cơ sở này vì cơ sở hoạt động tại vị trí không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
 
Phòng Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị UBND huyện Phù Cát giao đội thuế liên huyện Phù Cát – Phù Mỹ, Chi cục thuế khu vực XIII làm việc với chủ cơ sở để xác định việc kê khai nộp các khoản thuế theo quy định đối với hoạt động kinh doanh từ khi hoạt động cho đến nay và tham mưu xử lý các vi phạm có liên quan (nếu có).
 
Cùng đó, đề nghị Điện lực Phù Cát xem xét, ngừng cung cấp điện sản xuất đối với hộ kinh doanh này để chấm dứt hoạt động chế biến mực tẩm của cơ sở.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Bùi Quốc Nghị cho rằng, trước những sai phạm này, UBND huyện cương quyết xử lý dứt điểm, không thể để kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
 
Được biết, Cơ sở chế biến mực tẩm Trung Lương (Cơ sở 2) của bà Bùi Thị Ái Vy hoạt động trong nhà xưởng với diện tích 719,5m2 tại vị trí thửa đất số 109, tờ bản đồ 31, xã Cát Chánh. Cơ sở có khoảng 21 công nhân, hoạt động từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ hằng ngày. Nguyên liệu mực nhập hằng tháng trung bình khoảng 1,2 tấn, nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ thành phố Quy Nhơn và thị trấn Cát Khánh. Sau khi đóng gói thành phẩm, cơ sở xuất bán chủ yếu địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Người dân sống xung quan cơ sở này đang rất bức xúc vì đã gần 2 năm nay, cả ngày lẫn đêm phải sống chung với mùi mực hôi thối, xuất phát từ xưởng chế biến mực tẩm của hộ dân trong thôn./.
 
Sỹ Thắng

Các tin khác